CHUYÊN ĐỀ “NHẬN DIỆN VÀ GIẢM THIỂU STRESS TRONG CAN THIỆP GIÁO DỤC TRẺ RỐI LOẠN PHÁP TRIỂN – HIỂU VÀ ỨNG PHÓ VỚI KHUYẾT TẬT THỨ PHÁT” MỞ RỘNG CƠ HỘI HỌC TẬP CÁC KIẾN THỨC VÀ KĨ NĂNG CHUYÊN SÂU CHO HỌC VIÊN CAO HỌC NGÀNH GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT

Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa Đại học Wakayama (Nhật Bản) và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 22 và 23 tháng 10 năm 2022 vừa qua, Giáo sư Tetsuro TAKEDA của Đại học Wakayama đã tiến hành giảng dạy chuyên đề chuyên sâu cho học viên cao học Khóa K31 tại Khoa Giáo dục Đặc biệt.

Chuyên đề giảng dạy có tên “Nhận diện và giảm thiểu stress trong can thiệp giáo dục trẻ rối loạn pháp triển – Hiểu và ứng phó với khuyết tật thứ phát” đã thu hút sự quan tâm chú ý và tham gia nhiệt tình của các học viên cao học Khóa K31 và các giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt.

Tại Nhật Bản, GS. Tetsuro Takeda là một trong số ít các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực khuyết tật thứ phát. Việc các học viên cao học Khóa K31 của Khoa Giáo dục Đặc biệt được tiếp cận với chuyên đề này là một cơ hội học hỏi hiếm có.

Chuyên đề tập trung chuyên sâu vào 3 mảng nội dung, gồm: Diễn giải tổng hợp kết quả đánh giá trẻ rối loạn phát triển; Hiểu về khuyết tật thứ phát và ứng phó bằng phương pháp đề nghị, thương lượng nhằm nâng cao cảm giác tự trọng, khả năng phục hồi và cảm giác giá trị bản thân; Kiểm soát stress và phương pháp đề nghị, thương lượng.

Trong chuyên đề này, người học được tìm hiểu các kiến thức về tâm lý, nguồn gốc của stress, cách thức sử dụng các trắc nghiệm như ASEBA, TSCC.... một cách hệ thống, học viên nhìn ra mối tương quan có ý nghĩa giữa các bài test cụ thể với thực tế quan sát được từ trẻ khuyết tật từ đó làm cơ sở để đánh giá khách quan và xây dựng kế hoạch hỗ trợ trẻ khuyết tật theo chu trình PDCA (Plan-Do-Check-Act) một cách hiệu quả, chính xác. 
Phần thứ 2 của chuyên đề là phần nội dung rất mới trong nghiên cứu và thực tiễn ở Việt Nam: Phát hiện và ngăn ngừa khuyết tật thứ phát.

Trong khi các khuyết tật nguyên phát của trẻ khuyết tật rất được chú trọng để hỗ trợ thì những khuyết tật thứ phát của trẻ khuyết tật chưa thực sự được quan tâm. Trong chuyên đề này, khuyết tật thứ phát được GS. Tetsuro Takeda diễn giải thông qua các video minh họa rõ ràng, thực tế, có số liệu minh họa. Qua các "Vòng tròn thất bại của việc đọc", "Vòng tròn thất bại của quan hệ tương tác", học viên hiểu được góc nhìn của trẻ có nhu cầu đặc biệt khi bị nuôi dạy sai cách. Các thông tin cập nhật về ảnh hưởng của sự ngược đãi, quát mắng, chứng kiến cha mẹ cãi vã và sự bỏ rơi tới sự hoàn thiện não bộ của trẻ em đã làm các học viên cảm thấy thấm thía vai trò quan trọng của việc nuôi dạy trẻ đúng cách, làm nền tảng cho công tác hỗ trợ ngăn ngừa khuyết tật thứ phát và tư vấn, hỗ trợ cha mẹ trong việc chăm sóc con.

Mô hình tảng băng nổi về hành vi, con đường hỗ trợ tinh thần là phương thức nhìn nhận đúng, hỗ trợ đúng đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt được diễn giải cụ thể. Thông qua hai giản đồ này, học viên có thể dễ dàng nhìn thấy vấn đề cốt lõi và tập trung vào nội dung chính để hỗ trợ trẻ. Hệ thống các câu hỏi xương sống trong mô hình tảng băng nổi (khi nào, ở đâu, xảy ra điều gì, thực trạng nguyên nhân.....) là những chỉ dẫn hữu hiệu để nhà giáo dục đặc biệt có thể đi đúng vấn đề, khai thác có hiệu quả các chất liệu quan sát được. 
Trong chuyên đề này, GS. Tetsuro Takeda đã đưa ra các ví dụ cụ thể về lo âu, rối loạn thách thức chống đối, rối loạn hành vi phá vỡ, vấn đề stress.... và các ví dụ thông qua câu hỏi của học viên đã làm sáng tỏ thêm con đường đúng để tiếp cận, giải quyết có hiệu quả các vấn đề thứ phát của học sinh có nhu cầu đặc biệt.

Phần thứ 3 của chuyên đề cũng là một phần nội dung rất mới trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, đó là việc sử dụng phương pháp đề nghị, thương lượng trong giáo dục trẻ khuyết tật để ngăn ngừa các khuyết tật thứ phát và vấn đề stress của trẻ khuyết tật đã được GS trình bày một cách cụ thể thông qua các ví dụ thực tiễn và sự giảng giải cặn kẽ.

Có thể nói, trong chuyên đề này, GS Tetsuro Takeda đã cung cấp lượng kiến thức khoa học, sâu sắc với cách truyền đạt nhẹ nhàng cùng với sự quan tâm chu đáo đến sức học, thái độ học và cường độ học hợp lý đối với học viên khi học online.

Sự trợ giảng và thông dịch của giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt cũng góp phần rất lớn làm nên hiệu quả học tập trong chuyên đề. Sự truyền tải của các giảng viên trợ giảng của Khoa Giáo dục Đặc biệt không những đảm bảo sự chính xác về các thuật ngữ chuyên ngành mà còn luôn tràn đầy năng lượng đã góp phần giúp học viên hiểu hơn về các kiến thức đang học. Thông qua phần lồng tiếng thú vị, có tiết tấu của giảng viên trợ giảng trong các video minh họa, học viên hiểu sâu sắc hơn về cảm xúc của các nhân vật và hiểu hơn về vấn đề khuyết tật thứ phát cũng như các rối loạn mà học sinh đang gặp phải. 
Giảng viên trợ giảng cũng giao tiếp tích cực, để ý đến từng thành viên trong lớp cũng như công nhận những đặc điểm, những đóng góp hợp lý của các học viên, giúp học viên cảm thấy vô cùng hào hứng và tự hào được tham gia lớp học cùng GS. Tetsuro Takeda.

Thêm một lần nữa, sự phối hợp, giúp đỡ của các GS đến từ Đại học Wakayama, đặc biệt là của GS. Tetsuro Takeda đã đem đến cho học viên cao học của Khoa Giáo dục Đặc biệt cơ hội học tập mở rộng, tiếp cận những vấn đề mới cả về lí luận và thực tiễn. Điều này góp phần tạo nên thành công và chất lượng của các khóa đào tạo sau đại học trình độ Thạc sĩ cho Khoa Giáo dục Đặc biệt – Trường ĐHSP Hà Nội.

 

                                                                                Tác giả:         TS. Đỗ Thị Thảo (Phó trưởng Khoa Giáo dục Đặc biệt)

                                                                                                        Vũ Thị Thu Phương (Học viên cao học K31 – Giáo dục Đặc biệt)

 

Dưới đây là một số hình ảnh của lớp học:

 

 

 

 


Source: 
17-12-2022
Tags