Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển và hội nhập, trong những năm qua Khoa Giáo dục Đặc biệt- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong suốt 9 năm qua, Khoa Giáo dục Đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp cùng nhiều Đại học tại Nhật Bản để tổ chức các chuyên đề dành cho chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt. Các chuyên đề đào tạo được cung cấp bởi các chuyên gia hàng đầu về Giáo dục đặc biệt và giáo dục cho người khuyết tật, bắt đầu từ các giáo sư Đại học Wakayama (Nhật Bản) với các chuyên đề chuyên sâu về Giao tiếp bổ trợ và thay thế AAC, hỗ trợ stress và khuyết tật thứ phát của trẻ khuyết tật, sau đó là các chuyên đề về công nghệ thông tin trong giáo dục đặc biệt (từ Đại học Giáo dục Hyogo) và những chuyên đề khác từ Đại học Giáo dục Osaka, Đại học Hiroshima Bunka Gakuen. Các chuyên đề đã mở ra những cơ hội cho sự giao lưu, chia sẻ, hợp tác chuyên môn giữa các chuyên gia, học viên và sinh viên của hai bên trong các lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, những khoá học như vậy tạo tiền đề cho những mối liên hệ với các trường Đại học khác ở Nhật Bản, góp phần thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ hợp tác lâu bền với các trường đại học tại Nhật Bản.
Trong hai ngày vừa qua, 25-26/12/2021, chuyên đề “Não bộ và hoạt động thần kinh cấp cao ở trẻ em có nhu cầu đặc biệt: Bệnh lý do tổn thương não và giáo dục hỗ trợ đặc biệt ở Nhật Bản” của GS. Nakano Kosuke là một chuyên đề mới, khởi đầu cho một hướng hợp tác mới giữa Khoa Giáo dục Đặc biệt và Đại học Ehime- Nhật Bản trong bối cảnh Dịch Covid đang làm thay đổi phương thức giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo sau đại học. Đây là một chuyên đề tập trung vào vấn đề hiện đang rất được quan tâm trên thế giới trong ngành giáo dục đặc biệt đó là khoa học não bộ và sự phát triển của não bộ, những tổn thương bệnh lý của não bộ liên quan đến khuyết tật, các vấn đề về giao tiếp, tương tác xã hội, tăng động và các chức năng thần kinh cấp cao. Cũng tại khoá học lần này, các vấn đề về chăm sóc y tế, liên kết y tế và giáo dục đặc biệt là những vấn đề gắn kết với giáo dục đặc biệt nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm cũng được đưa ra thảo luận. Dựa trên những vấn đề này, các học viên sau đại học nhìn nhận được các bài học tổng hợp về các vấn đề đối với người khuyết tật, phối hợp liên ngành để từ đó vận dụng thực hiện các hình thức đúng đắn và hiệu quả trong việc chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ người khuyết tật phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Mặc dù chuyên đề được thực hiện vào các ngày cuối tuần và ngày lễ Giáng sinh thông qua hình thức trực tuyến, nhưng chuyên đề vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm của học viên và sự chia sẻ tâm huyết, thẳng thắn từ các chuyên gia, học viên của Khoa Giáo dục Đặc biệt xuyên suốt khoá học. Chuyên đề 2 ngày đã kết thúc nhưng lại mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác quốc tế đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt với những giáo sư Nhật Bản, nhằm giúp ngành Giáo dục đặc biệt ngày càng khẳng định được vị thế trong giáo dục cho tất cả mọi người và đảm bảo được mục tiêu 04- chất lượng giáo dục trong 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được đưa ra bởi Liên Hiệp Quốc.