Khoa GDĐB, một Khoa với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ khuyết tật. Tiền thân của Khoa GDĐB là Tổ bộ môn GDĐB thuộc Khoa Tâm lý - Giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khoa được thành lập theo quyết định số 33760/QĐ-BGDĐT-TCCB ngày 19/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sứ mạng của Khoa GDĐB phấn đấu luôn là một trong những cơ sở hàng đầu của Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực GDĐB có chất lượng cao.
Khoa đã tiến hành đào tạo cử nhân chính quy ngành GDĐB, đào taọ cử nhân hệ vừa làm vừa học ngành GDĐB, đào tạo hệ Thạc sỹ GDĐB và mới đây từ năm 2018-2019, Khoa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo Tiến sĩ ngành GDĐB. Một ngành đào tạo hệ cử nhân nữa cũng mới được Bộ GDĐT cho phép từ tháng 7/2019 đó là chuyên ngành hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Chương trình này sẽ được Trường ĐHSPHN tuyển sinh và đào tạo từ năm học 2020 - 2021. Ngoài các khoá đào tạo, Khoa còn thực hiện được rất nhiều các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ và trình độ về GDĐB, Giáo dục hoà nhập. Tính đến nay đã có hàng trăm khoá bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý các trường đặc biệt, các GV trực tiếp dạy trẻ, phụ huynh học sinh trẻ khuyết tật.
Hiện tại, đội ngũ GV, giáo viên thực hành của Khoa gồm 26 người được quy hoạch và hoạt động chuyên môn theo 4 bộ môn gồm: 1) Giáo dục trẻ khiếm thính và trẻ khuyết tật ngôn ngữ; 2) Giáo dục trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật học tập; 3) Giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỉ; & 4) Thực hành GDĐB.
Về cơ cấu trình độ đội ngũ: tính đến ngày 1/6/2021 khoa có 1 Giáo sư, 1 Phó Giáo sư, 12 tiến sĩ, 10 thạc sĩ và 2 cử nhân (3/10 thạc sĩ đang học nghiên cứu sinh). Số giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên và giáo viên thực hành hiện chiếm tỉ lệ 53,8%; nhưng nếu chỉ tính riêng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên tổng số giảng viên thì chỉ số này đạt 60,8%. Trong số 14 người có học vị và học hàm thì có 6 người (50%) trước đó từng được đào tạo trình độ tiến sĩ hoặc thạc sĩ ở nước ngoài. 100% giảng viên của Khoa đều giao tiếp chuyên môn được bằng tiếng Anh. Đội ngũ nhân viên của Khoa GDĐB có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đào tạo và hỗ trợ tốt cho hoạt động NCKH và các hoạt động phục vụ cộng đồng.
Đến nay, Khoa đã đào tạo được khoảng 1200 SV (chính quy và vừa học vừa làm). Tỉ lệ SV tìm được việc làm sau khi ra trường gần 98,8% ở trong các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trường phổ thông, các trung tâm chăm sóc và giáo dục cho trẻ khuyết tật. Nhiều SV đã và đang trở thành các cán bộ chủ chốt trong các cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật. SV của Khoa rất năng động, sáng tạo, chăm chỉ, luôn tích cực tham gia các hoạt động của Nhà trường và của Khoa. Các sự kiện thường xuyên của Khoa được tổ chức như Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, nhận thức về chứng tự kỷ, ngày quốc tế người khuyết tật; các Hội thi của Nhà trường. Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện như Mùa hè xanh, Hiến máu cứu người, hoạt động tình nguyện về chuyên môn GDĐB tại các trung tâm GDĐB cũng được SV tham gia nhiệt tình.
Khoa rất chú trọng công tác NCKH, xuất bản và hợp tác quốc tế. Với chức năng nhiệm vụ là đào tạo và NCKH, giai đoạn từ 2015-2020, các cá nhân của Khoa có rất nhiều đề tài NCKH các cấp, từ các đề tài nghiên cứu song phương cho đến các đề tài Nafosted, các đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp trường được các thành viên trong Khoa hăng hái tham gia. Một số thành viên trong Khoa đã đăng bài quốc tế có chỉ số ISI/với nhiều bài ở mức Q1, Q2. Mỗi năm, Khoa đều tổ chức được ít nhất 01 Hội thảo Quốc tế trong lĩnh vực GDĐB có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Khoa cũng hợp tác với nhiều trường ĐH trên Thế giới như ĐH Ritsumekhan (Nhật Bản), Wakayama (Nhật Bản), Gunma (Nhật Bản),… Nhiều tổ chức trên thế giới như UNICEF, CBM, JICA , GVI, GIZ… cũng đã hợp tác với khoa GDĐB nhằm tổ chức các chương trình nghiên cứu, trao đổi học thuật và các hoạt động tập huấn chuyên môn cho người học.