Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 3760/QĐ-BGDĐT-TCCB ngày 19/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua gần 20 năm phát triển và trưởng thành, Khoa đã đào tạo hàng ngàn giáo viên trình độ đại học, hàng trăm thạc sĩ và nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục đặc biệt. Đây là một địa chỉ tin cậy của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế về lĩnh vực giáo dục đặc biệt. Đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa đang ở độ chín muồi trong nghiên cứu, đào tạo, cung cấp các dịch vụ lĩnh vực giáo dục đặc biệt.
Chương trình đào tạo mới theo tiếp cận năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong đó có ngành Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, đòi hỏi cần có một cơ sở thực hành trực tiếp và thường xuyên phục vụ các hoạt động đào tạo, đồng thời là cơ sở phục vụ nghiên cứu cho sinh viên, học viên, giảng viên...
Nhu cầu thực tiễn về đánh giá, can thiệp, tư vấn và giáo dục của trẻ em có nhu cầu đặc biệt và gia đình của các em trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận ngày càng cao. Khoa Giáo dục đặc biệt từ nhiều năm nay đã là địa chỉ tin cậy để đáp ứng nhu cầu này.
Tòa nhà K2 được sự đầu tư của cố Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười từ năm 1995 với mục đích giúp đỡ trẻ khuyết tật. Khoa Giáo dục đặc biệt được Nhà trường giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của nhà K2. Việc xây dựng một mô hình gắn kết đào tạo với phục vụ xã hội là hết sức cần thiết.
Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật được Chính phủ phê duyệt vào năm 2006 và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 84/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền của Người khuyết tật, ngày 28/11/2014.
Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, tại điều Điều 63. Trường, lớp dành cho người khuyết tật:
“1. Nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập trường, lớp dành cho người khuyết tật nhằm giúp người khuyết tật được phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề và hòa nhập cộng đồng.
2. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường, lớp dành cho người khuyết tật do Nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với trường, lớp dành cho người khuyết tật do tổ chức, cá nhân thành lập”.
Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 26/7/2010 quy định tại Điều 6. Xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật:
“1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, trợ giúp về tài chính, kỹ thuật để thực hiện hoạt động chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi xã hội hóa theo quy định của pháp luật”.
Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 20/6/2006 về Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn: Chương 2, Điều 5, khoản 2: “Mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật”.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-HĐT ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Hội đồng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hệ thống các văn bản quản lý theo các quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Số 856/QĐ-ĐHSPHN ngày 06/3/2017 quy định quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Số 857/QĐ-ĐSPHN ngày 06/3/2017 quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và chế độ làm việc đối với giảng viên; Số 858/QĐ-ĐHSPHN ngày 06/3/2017 quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc đối với giáo viên thực hành; Số 859/QĐ-ĐHSPHN ngày 06/3/2017 quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc đối với viên chức hành chính, người lao động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Số 11352/QĐ-ĐHSPHN quy định quản lý các Trung tâm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Số 861/QĐ-ĐHSPHN ngày 06/3/2017 quy định về đánh giá, phân loại đối với đơn vị, công chức, viên chức và người lao động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thông báo số 103/TB-ĐHSPHN ngày 10/3/2020 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về Kết luận của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh tại cuộc họp về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Đào tạo và Phát triển Giáo dục đặc biệt:
“1. Mục tiêu: Quản lý, sử dụng hiệu quả Tòa nhà K2 đúng với ý nghĩa và giá trị nhân văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Giao Khoa Giáo dục Đặc biệt xây dựng Đề án, khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất liên quan đến Tòa nhà K2 phục vụ hoạt động đào tạo thực hành Giáo dục đặc biệt và cung cấp các hỗ trợ từ thiện vì cộng đồng, hoàn thành trong tháng 5/2020”.
Quyết định số 4399/QĐ - ĐHSPHN, ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội về việc thành lập Trung tâm Giáo dục đặc biệt.
Mục tiêu, phạm vi đối tượng hoạt động và tên gọi của Trung tâm Giáo dục đặc biệt
Mục tiêu
- Mục tiêu chung:
Phục vụ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của ngành Giáo dục đặc biệt và ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, đồng thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn từ thiện cho trẻ có nhu cầu đặc biệt và gia đình của các em, vì sự phát triển cộng đồng và xã hội.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Tổ chức thực hành giáo dục đặc biệt có hiệu quả cho sinh viên, học viên khoa giáo dục đặc biệt và các ngành học có liên quan trong nước và quốc tế.
+ Phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ và người học khoa Giáo dục đặc biệt.
+ Tổ chức tư vấn từ thiện cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt và gia đình các em, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, các doanh nghiệp để can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, tạo điều kiện trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình và xã hội.
Phạm vi đối tượng hoạt động
- Giảng viên của khoa Giáo dục đặc biệt và các chuyên ngành gần khác, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục đặc biệt và ngành Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các ngành khác có liên quan trong nước và quốc tế.
- Người khuyết tật, ưu tiên đối tượng là trẻ em.
- Cha mẹ trẻ khuyết tật, cộng đồng, thành viên các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
Tên gọi của tổ chức
- Tên tiếng Việt:
Trung tâm Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- Tên tiếng Anh:
Centre of Special Education, Hanoi National University of Education (CSE)
Loại hình, vị trí của đơn vị
Trung tâm Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là một đơn vị chuyên môn trực thuộc Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của Nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phi lợi nhuận, thiện nguyện, vì lợi ích của trẻ có nhu cầu đặc biệt và gia đình của trẻ, góp phần vì sự phát triển cộng đồng, xã hội.
Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm
1. Phục vụ công tác đào tạo: thực hành, thực tập sư phạm thường xuyên cho sinh viên, học viên các chuyên ngành Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
2. Phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cho giảng viên, NCS, học viên cao học và sinh viên khoa giáo dục đặc biệt thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu.
3. Hỗ trợ cồng cồng: Đánh giá, can thiệp, tư vấn, giáo dục và hỗ trợ người khuyết tật.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do khoa phân công.
Cơ cấu tổ chức và hoạt động
Trung tâm trực thuộc Khoa Giáo dục đặc biệt, hoạt động theo sự điều hành của khoa. Nhân sự thực hiện nhiệm vụ của trung tâm do khoa phân công.
Trung tâm điều hành như một bộ phận của khoa phục vụ đào tạo, nghiên cứu, thực hành, thực tập, nghiệp vụ sư phạm.
Trụ sở làm việc
Địa điểm: Nhà K2, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại:
Website: http://gddb.hnue.edu.vn Email: trungtamgddbdhsphn@gmail.com
Phương hướng hoạt động giai đoạn những năm tiếp theo
a. Mục tiêu: Thực hiện đầy đủ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
b. Các hoạt động trọng tâm:
- Tiếp nhận sinh viên, học viên các khóa đào tạo của Khoa, thực hiện tổ chức các hoạt động nghiệp vụ sư phạm, thực hành, thực tập sư phạm tại Trung tâm theo kế hoạch đào tạo.
- Xây dựng kế hoạch tiếp nhận sinh viên, học viên các Khoa trong và ngoài trường và nước ngoài (dự kiến), thực hành, thực tập tại Trung tâm.
- Tổ chức tư vấn về can thiệp sớm, giáo dục đặc biệt và trị liệu cho trẻ từ 18 tháng đến 18 tuổi, có thể mở rộng cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt khác.
- Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về Giáo dục đặc biệt và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
- Thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã có (với các trường đại học Nhật Bản: Wakayam, Osaka, Gunma, Tổ chức CBM, Trinh Foundation,…), đồng thời, mở rộng thu hút và thực hiện hợp tác khác với các cá nhân, trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế.
- Huy động nguồn lực và sự tham gia tích cực, hiệu quả của các bên liên quan, các cá nhân, trường đại học, tổ chức trong nước và quốc tế.